Tuyển chọn những bài thơ ngụ ngôn hay nhất bạn chớ bỏ lỡ

Thơ ngụ ngôn là một thể loại của văn học giáo huấn, mang nội dung đạo đức,sử dụng phúng dụ như một nguyên tắc tổ chức tác phẩm. Bài học đạo đức trong tác phẩm toát ra từ việc chế giễu các tính cách và đặc điểm tiêu cực nào đó của con người, và phần lớn các thói xấu, nhược điểm của con người được thể hiện trong các hình tượng loài vật như chim, cá, thú, gia súc v.v. Phúng dụ của ngụ ngôn thường dựa trên các đặc điểm tiêu biểu, thông dụng của các loài vật (như cáo ranh mãnh, sư tử khỏe mạnh, thỏ nhút nhát v.v.). 

Sau đây upanh123.com xin giới thiệu cùng bạn những bài thơ ngụ ngôn hay nhất. Cùng chia sẻ để cảm nhận bạn nhé !

Nội Dung Chính

Top những bài thơ ngụ ngôn hay nhất

Thơ ngụ ngôn là thể thơ được dùng phổ biến và vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Mỗi câu thơ được phối hợp với vần,nhịp mang đến sự gần gũi,dễ đọc,dễ nhớ đối với trẻ thơ.So với thơ 4 chữ thì thể thơ này có phần đi vào chiều sâu suy tư hơn bởi những đặc điểm riêng của nó. Sau đây là top những bài thơ ngụ ngôn hay nhất của La Pontaine .

Hai Con Lừa

Hai con La cùng đi đường cái,
Con tải tiền, con tải cỏ khô.
Gã kia vinh-hạnh dường phô.
Ví ai mang đỡ chẳng cho đỡ nào.
Dáng đủng-đỉnh làm cao với chúng;
Cổ leng-keng chuông đụng suốt ngày.
Ai ngờ gặp buổi không may,
Giặc đâu kéo đến, dòm ngay túi tiền.
Vồ La nọ giặc liền bắt lấy,
Nắm dây cương kéo lại một nơi.
La gắng sức, cự với người.
Chúng đâm nát thịt tơi-bời một khi.
Than: – Danh vọng lảm chi cho cực;
Gã hèn kia, sao được yên thân,
Mà ta đau-đớn như rần.
La kia nghe thoảng lại gần đáp ngay:
– Hễ cây cao, gió lay càng dữ…
Mang cỏ khô ví thử như ta,
Thì chi đến nỗi đau mà.

Chó Sói Và Giàn Nho

Chó Sói kia ở nơi rừng ấy
Đương đói lòng lại thấy giàn nho!
Mấy chùm vừa chín vừa to.
Nước da đỏ thắm, thơm-tho ngọt-ngào.
Cậu Sói cũng ước-ao được bữa.
Nhưng giàn cao không với đến nơi.
Chê-bai Sói lại được lời:
– Nho xanh chẳng xứng miệng người phong-lưu.

Lừa Và Chó Con

Tài tự-nhiên, xin ai chớ ép,
Gượng nên công có đẹp mẽ gì?
Mấy đời những đứa ngu-si,
Làm ra mặt thiệp nó thi nên duyên.
Ai cũng mến là “thiên chi phó”,
Bẩm-sinh ra sẵn có mấy người,
Ai tài thì cũng mặc ai
Lừa ngu chuyện nọ là bài dạy khôn:
Gã Lừa ấy đến hôn ông chủ;
Nghĩ thầy ta há phụ không yêu!
Chó kia phỏng lớn bao nhiêu,
Ông, bà bữa sớm bữa chiều cho ăn,
Lại có lúc quá thân hôn-hít;
Lại có khi quấn-quýt xoa đầu;
Trò-vè phỏng có chi đâu.
Chỉ giơ chiếc vó, gâu-gâu một hồi,
Đùa bỡn có thế thôi mà quý.
Còn ta đây động tí thì đòn,
Rầy ta há lại không khôn;
Cũng là như rứa phỏng còn khó chi,
Nhân thấy chủ đang khi đắc-ý,
Lừa ta bèn rủ-rỉ đến bên:
Móng chân cùn-cụt đưa lên,
Vuốt cằm ông chủ mà rên một hồi.
Chủ vội thét: Lừa toi! Quái lạ!
Đem gậy đây, sửa gã một phen.
Nói rồi cầm gậy đả liền,
Để Lừa rối-rít như điên như cuồng.
Thế là thôi hết tấn tuồng.

Con Ve Và Con Kiến

Trên cây có một con Ve
Hát hết mùa hè mùa lạnh kiết so
Âu là đành phận đem đầu
Chạy sang chị Kiến kêu cầu lân bang,
Nhờ bà hàng xóm lòng thương,
Cho vay dăm hột thóc lương trợ thì
Khi nào hết lạnh sang hè,
Lại xin đem nốt lãi lời phân minh.
Nhược bà có bụng nghi tình,
Xin thề giời, phật chứng minh việc này.
Kiến bà tính ghét mượn vay,
Trong nghìn thói độc thói này nhỏ nhen.
Lắc đầu rồi lại còn chèn,
Lúc trời nắng ráo anh em làm gì?
Ve rằng tôi ngâm phú thi
Đêm ngày nhai nhải cái gì cũng ngâm
Kiến bà chú tệ độc tâm,
Đáp rằng xưa hát, nhảy đầm nay coi!

Gà Đẻ Trứng Vàng

Tham thì thâm, cổ-nhân dạy thế,
Lấy chuyện gà ra để răn đời,
Đem câu bịa đặt kể chơi:
Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng.
Chủ ngỡ có bảo-tàng trong bụng,
Mổ phăng ra chắc cũng mau giàu,
Ai ngờ có cóc chi đâu,
Gà thường cũng vậy, khác nhau chút nào.
Chủ biết dại, kêu gào tiếc của;
Làm gương soi cho đứa tham tâm,
Mới đây có kẻ nghĩ lầm;
Được mười lại muốn ngay trăm ngay nghìn.
Trơ ra hết nhẵn ngồi nhìn.

Chuột Nhắt,Mèo Và Gà Trống Non

Chuột-nhắt xưa nay quanh xó cửa,
Ra khỏi nhà bỡ-ngỡ một phen.
Về khoe với mẹ huyên-thiên:
– Con qua rặng núi đến miền biên-cương;
Con chạy nhặng khác dường chuột lớn,
Đi dong chơi hung-tợn khắp đường,
Nơi kia con gặp hai chàng:
Một chàng phúc-hậu đường-đường khôi-ngô.
Chàng kia thì tiếng to mà dữ,
Bộ hung-hăng, nghiêng-ngửa mặt mày:
Trên đầu cục thịt đỏ gay,
Hai tay vùng-vẫy như bay lên trời;
Xoè nan quạt đuôi thời to tướng,
Khiếp, khiếp chưa! Hình dáng kỳ-khôi!
Chuột con kể chuyện lôi-thôi,
Tưởng chừng vật lạ xa xôi đâu về!
Ai ngờ chú Hùng-kê chính đấy,
Chuột-nhắt ta nom thấy hãi-hùng.
– Hai tay phành-phạch vẫy-vùng,
Con xưa nay vốn thị-hùng mà ghê.
Đuôi quắp đít chạy về một mạch,
Miệng chửi thầm, thề kệch đến già.
Ví chăng không gặp hắn ta,
Thì con hẳn tiếp được nhà-hiền kia,
Lông bóng nhoáng, râu ria đường-bệ.
Đuôi lại dài, tam-thể trên mình.
Lừ-đừ coi bộ hiền-lành;
Duy đôi mắt liếc long-lanh khác thường,
Cùng giống Chuột nghe dường ái-mộ,
Y như ta cũng có hai tai,
Lại gần con đã kiếm bài,
Làm quen với hắn, một hai thân-tình.
Thằng nọ bất thình-lình lên giọng:
Kéc-ke-ke! Trong họng kêu ra.
Vội-vàng con phải lánh xa.
Thử-bà nghe nói nghĩ mà sởn lông:
– Chết con ạ! Chớ trông ngoài mã,
Bộ hiền-lành chính gã Miêu-nhi,
Xưa nay độc-ác gian-phi,
Cùng nòi nhà Chuột, nó thì hại luôn,
Con Gà nọ thì con há sợ;
Hắn cùng ta có nợ xưa nay,
Đã không làm hại nhà mày,
Mà thường giống Chuột lại hay ăn Gà!
Thằng Mèo nó coi ta như gỏi,
Hại loài mình mòn-mỏi bấy lâu.
Đỏ lòng, xanh vỏ có câu,
Con nên ghi lấy về sau đừng lầm.

Hội Đồng Chuột

Một con mèo tên là Trạng-Mỡ,
Bắt chuột nhiều long- lổ hầm hang.
Mèo đâu dữ- dội lạ dường!
Để cho đến nỗi sạch quang trong ngoài.
Họa còn sót một hai chú lỏi,
Đố dám thò ra khỏi cửa hang.
Chú nào cũng đói họng gang,
Trông thấy Trạng -Mỡ coi dường yêu-tinh.
May được buổi tiên-sinh chạy gái,
Chốn cao xa trên mái nhà người.
Chuột thừa được lúc thảnh-thơi,
Họp nhau bàn việc kim-thời nguy nan,
Chú chuột già ra bàn ngay trước:
– Liệu mau mau trong bước hiểm-nghèo,
Đem chuông mà buộc cổ mèo,
Để cho khi hắn leo-trèo tìm ta,
Leng-keng nghe hiệu là ta chạy,
Ai cũng khen mà lạy Cụ-Trùm.
Duy còn một việc đeo chuông,
Nghe như hơi khó tìm phương thi-hành.
Hỏi lũ chuột, thì anh từ-cáo;
Anh lại rằng:
……………….. – Đây lão dại gì?
Đã đành nơi chết ai đi.
Ngẩn-ngơ một lát rồi thì hội tan.
Té ra cuộc luận-bàn thực hão.
Có lạ gì bàn láo xưa nay!
Chẳng là việc chuột thế này;
Việc dân, việc nước cũng hay bàn xằng.

Thơ rằng:

Nghị luận còn dở-dang,
Triều-đình đông nhan-nhản
Thi-hành làm cục-trung,
Bá-quan đã tận-tán.

Hai Con Dê Cái

Khi nào Dê đã ăn no,
Thì Dê hay thích tự-do chơi bời.
Đi tìm những chốn xa-khơi,
Những vùng khuất nẻo, những nơi vắng người,
Núi cao cây cỏ tốt -tươi;
Dưới khe sâu thẳm, đá đôi ba hòn!
Các cô đến đấy nhảy bon,
Chẳng ai ngăn được Dê non chạy quàng.
Một hôm, Dê cái hai nàng,
No-nê bỏ nội cỏ vàng đi dong.
Hai bên bờ suối nước trong,
Tình-cờ đâu lại đi cùng tới bên.
Có cầu nho-nhỏ bên trên,
Đói Cầy họa mới đi len nhau vừa.
Dưới khe dòng nước chảy bừa,
Đứng trên nom xuống nghĩ mà ghê thay!
Nhịp cầu tấm ván lung-lay,
Vậy mà Dê nọ bước ngay một đầu,
Dê kia nào có hãi đâu,
Đưa chân cũng bước đầu cầu bên kia.
Thoát coi nào có khác chi,
Vua Pha-nho với vua Louis hội-đồng,
Hài nàng bước một thong dong,
Giữa cầu thoắt đã đi cùng tới nơi.
Kiêu-căng ai lại nhường ai
Cũng nòi đáo-để, cũng vai anh-hùng.
Cô này cậy cháu nhà tông,
Dê này Bách-lý là ông sáu đời.
Con dòng cháu giống phải chơi!
Cô kia khi ấy tức-thời nghĩ ra:
Tổ-tiên ngũ-đại nhà ta,
Là Dê Tô-vũ ông cha kế-truyền.
Cũng là cháu phượng con tiên,
Hai cô cùng dấn bước lên nhịp cầu.
Nào ai có nhượng ai đâu;
Ganh nhau cho đến đâm đầu xuống khe.
Câu này chẳng những chuyện dê,
Bước đường danh-lợi ngưởi đi cũng đường.

Sư Tử Về Già

Sư-tử trên rừng ai cũng sợ;
Lúc tuổi già ngồi nhớ oai xưa
Khóc than thân-phận già-nua.
Vì chưng ta yếu bây giờ chúng khinh:
Con ngựa đến đá mình một móng;
Chó rừng vào há họng cắn chơi;
Con bò đến húc. Trời ơi!
Muốn gầm một tiếng, hết hơi mất rồi.
Sư rầu-rĩ đành ngồi thất thủ,
Thôi cũng đành đợi số cho xong,
Thân tàn chết cũng cam lòng.
Con lừa đâu cũng vào trong hang mình.
Sư thấy thế làm thinh chẳng được,
Than:
……… – Thế này đã nhuốc hay chưa!
Sống mà chịu tủi với lừa,
Chết đi chết lại cũng như khác gì!

Ve Sầu Và Kiến

Ve sầu kêu ve ve,
………..Suốt mùa hè,
Đến kỳ gió bấc thổi,
Nguồn cơn thật bối-rối.
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm-núm,
Sang chị Kiến hàng-xóm.
Xin cùng chị cho vay,
Dăm ba hạt qua ngày.
– Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả.
Trước thu, thề Đất Trời!
Xin đủ cả vốn lời.
Tính Kiến ghét vay cậy;
Thói ấy chẳng hề chi.
– Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy.
Ve rằng:
….. – Luôn đêm ngày,
Tôi hát, thiệt gì bác.
Kiến rằng:
….. – Xưa chú hát!
Nay thử múa coi đây.

Mèo Già Và Chuột Nhắt

Thím Chuột nhắt trẻ người non dạ,
Bị Mèo già vồ đã nguy-nan.
Lẻo mồm còn cứ kêu van:
– Xin ngài sinh phúc kẻo oan phận này,
Thân Chuột nhắt phỏng tầy mấy chút:
Nhặt của rơi, thiệt hụt gì ai!
Hãy khoan lượng nghĩ xin ngài,
Vì tôi đã để cho ai đói nào!
Miệng này phỏng ăn bao nhiêu hạt;
Chỉ cơm rang góc bát là no,
Sá chi thận phận gầy-gò,
Để dành các cậu, các cô thì vừa.
Chuột bị bắt trình thưa như vậy,
Mèo bảo rằng:
………………….; – Lời ấy khó nghe.
Thôi đi, đừng nói nữa đi!
Tao đây chứ phải giống gì mà mong.
Mèo, lại già hẳn không dung-xá,
Rất đang tâm, mi lạ chi ta,
Thôi cho mi xuống làm ma,
Kêu cùng Thập-điện hoạ là có nghe.
Con tao chẳng thiếu chi thực-phẩm.
Mèo nói xong bèn lẩm Chuột ranh.
Chuyện này nghĩa-lý rành rành,
Đầu xanh vẫn thị tinh-ranh khoe mầu.
Già hay tàn-nhẫn biết đâu!

Thỏ Và Rùa

Đi cho sớm, việc gì tất-tả
Chuyện Thỏ Rùa nghĩ đã hay thay!
Rùa kia gọi Thỏ bảo:
……………………………- Này,
Thi cùng ta chạy từ đây qua đường.
Thỏ bảo Rùa:
………………….- Chị thường hóa dại
Hãy uống xong thuốc tẩy vài liều
Họa chăng ta có nhận keo
Rùa càng thách tợn, giải treo thật nhiều
Thỏ tức khí bao nhiêu cũng đắt;
Đem giải kia mà đặt bên đường.
Những gì lọ kể dài dang;
Ai ngồi chủ cuộc, phân tường nói chi,
Thỏ ra sức chỉ đi ba bước,
Là đến nơi lấy được như không,
Vội chi mà chẳng thong-dong
Vừa đi vừa bỡn cũng không chậm gì.
Đứng gặm cỏ, có khi cũng sớm,
Mặc kệ Rùa, Thỏ hợm ta đây,
Chàng-dàng chân dép chân giầy
Trong khi Rùa nọ ai hay vội-vàng,
Biết thân nặng lại càng cố gắng:
Cứ từ-từ rảo cẳng bước lên.
Sá chi thân phận Rùa hèn,
Thỏ càng đủng-đỉnh ở bên vệ đường.
Nhường chạy trước thêm càng danh-giá
Muốn lúc nào mà chả đến chơi
Vừa đi, vừa nghỉ, vừa chơi;
Nghe hơi gió thổi, xem trời kéo mây,
Rùa thấm thoát đến ngay trước đích
Thỏ vội-vàng một mạch chồn chân,
Nhưng mà chửa được đến gần,
Thì Rùa đã tới nơi ăn giải rồi.
Lại còn nhiếc một hồi: – Chú Thỏ,
Đã bảo mà, nhanh có làm chi!
Ví chăng nhà cũng đội đi.
Như ta đây nữa, chú thì bước sao?

Trên đây là tuyển chọn những bài thơ ngụ ngôn hay nhất. Hi vọng sau khi chia sẻ cùng nó bạn đã có thêm nhiều xúc cảm khó diễn tả. Mỗi bài thơ là mỗi bài học đạo đức,nhiều ý tứ sâu xa về đạo làm người. Cùng chia sẻ để cảm nhận hết cái hay,cái đẹp của thể thơ này bạn nhé !

Blog, Thơ Hay - Tags: ,